Chọn Chủ Đề Blog Cá Nhân: 5 Bí Mật Cao Thủ

Bài viết này sẽ hướng dẫn cách chọn chủ đề blog cá nhân chi tiết Full không che mà các cao thủ đang làm.

Cách nói thường xuyên của việc chọn chủ đề là “bạn làm chủ đề nào”, “tôi đang làm chủ đề…”, “bạn đang làm về…”.

Có lẽ bạn tìm đến bài này sau khi đã tìm đến bài viết dài lê thê nhưng chất của mình về cách tạo blog cá nhân trong 7 bước. Nêu không thì bạn nên quay lại tìm đọc bài đó nhé.

Như đã nói ở trong bài trước, trước khi chọn chủ đề, bạn cần xác định mục đích bạn tạo blog cá nhân để làm gì:

  • Có thể bạn chỉ viết blog cho nó vui, để rèn luyện kỹ năng viết và lưu lại những bài viết của mình.
  • Bạn tạo blog để xây dựng thương hiệu cá nhân cho mình: qua kiến thức bạn chia sẻ; qua kỹ năng viết; qua kết quả danh hiệu mà bạn đạt được.
  • Và cuối cùng là để tạo nguồn thu nhập, để kiếm tiền. Chung quy lại thì bạn có những muc đích phía trên, cuối cùng thì cũng để kinh doanh mà thôi. Do vậy tôi mặc định từ giờ trở đi cho mục đích tạo blog cá nhân là để kiếm tiền.

Okay, xác định rõ rang mục địch rồi, giờ bắt đầu thôi.

Các tiêu chí chọn chủ đề Blog cá nhân

1. Chọn chủ đề mà bạn thích

Tôi bắt đầu bằng thứ mà bạn thích để chọn chủ đề (niche) cho blog của bạn.

Tưởng tượng xem bạn có thể viết về một thứ gì đó mà bạn không thích, liệu có thành công được không? Dám chắc là không rồi.

Có thể bạn thích về giữ gìn sức khỏe, về kiếm tiền online, về tâm linh, về phong thủy, về du lịch, về tài chính cá nhân, về văn hóa dân tộc, ẩm thực… hãy chọn chủ đề đó. Tôi cũng thích những chủ đề này.

Chủ đề Blog về Du lịch
Du lịch Ba Lan. Ảnh Wikipedia

Tôi không thích nói về chính trị, cá độ, phẫu thuật thẩm mỹ, phong thủy, bói toán… Tôi không chọn chúng.

Do vậy hãy chọn chủ đề mà bạn thích hoặc hơi thích cũng được. Miễn là bạn không ghét nó.

Chủ đề bạn thích mà lại gắn với chuyên môn và công việc bạn đang làm thì rất thuận lợi.

Có người nói chọn chủ đề mà bạn đam mê, tất nhiên rồi, đó là thứ bạn thích. Nhưng đó mới là một tiêu chí, hay tham khảo tiếp các tiêu chí dưới đây.

2. Chọn chủ đề mãi xanh (evergreen)

Nghe thấy khái niệm là đã có vẻ chán rồi, nhưng đừng lo, nôm na đó là việc bạn chọn một chủ đề mà người đọc quan tâm quanh năm và lâu dài. Ví dụ các chủ đề tôi nói tôi thích ở trên.

Nên tránh chọn các chủ đề có tính mùa vụ (seasonal), thời điểm. Ví dụ: World Cup 2022; Trượt tuyết; Trại hè; Dịch Covid…

Quay lại ý đã nói ở phần trên, có thể bạn đam mê một thứ gì đó, nhưng nó lại có tính mùa vụ. Vậy nếu bạn chọn chủ đề đó thì chắc chắn là gặp khó khăn rồi.

Những chủ đề Evergreen giúp bạn duy trì được thông tin cho blog thường xuyên và có khả năng mở rộng và phát triển sau này.

Tất nhiên nếu bạn “khư khư” thích chủ đề mùa vụ thì vẫn có thể làm được thôi, nhưng cân nhắc thêm các tiêu chí phía sau đây xem có okay không nhé.

3. Chủ đề phải có người quan tâm

Mình dám chắc là bạn chẳng muốn tạo ra một blog để rồi nó lang thang như bóng ma trên mạng mà chẳng có ai quan tâm đúng không?

Có thể bạn biết, thích và đam mê về một chủ rất hay, nhưng nó lại không có nhiều người quan tâm thì khó có thể giúp bạn có được một blog thành công.

Bạn có thể nói rằng “Vì mọi người chưa biết đến chủ đề nên chưa có nhiều quan tâm. Nên tôi cứ làm, và dần dà sau này có nhiều người biết đến hơn“.

Vâng, có thể có trường hợp như vậy nhưng tôi thích cái gì chắc chắn cơ. Hãy bắt đầu với chủ đề có người quan tâm để rèn rũa kỹ năng. Sau này có kinh nghiệm rồi bạn có thể thử sức với chủ đề mới.

Làm sao để biết được chủ đề nào mọi người quan tâm, thì các bước dưới đây sẽ hướng dẫn cho bạn. Cứ yên tâm nhé!

4. Chọn chủ đề phải kiếm được tiền

Tiêu chí là rất quan trọng, vì như trên đã xác định, mục tiêu của việc tạo blog cá nhân là để kiếm tiền mà.

Bạn đã tìm được chủ đề mình thích rồi, thuộc loại Evergreen rồi, nhưng chủ đề đó lại không giúp bạn kiếm tiền được. Vậy thì khó khăn đây.

Đối với những người nhạy bén trong kinh doanh, thì chỉ cần hút được độc giả đến blog là họ tìm được cách kiếm được tiền rồi. Nhưng đối với người chưa có nhiều kinh nghiệm thì cần sớm xác định ngay chủ đề nào có khả năng kiếm được tiền để đảm bảo sự chắn chắn thành công.

Quay lại câu hỏi Kiếm tiền với Blog cá nhân như thế nào ở bài trước. Bạn sẽ có câu trả lời cụ thể cho chủ đề mình định lựa chọn.

5. Những chủ đề blog nên tránh làm

Có những chủ đề bạn nên tránh làm sau đây:

  • Chủ đề liên quan đến chính trị, tôn giáo, phân biệt chủng tộc. Làm những chủ đề dạng này có thể gặp rắc rối về pháp luật, quan điểm.
  • Chủ đề khiêu dâm, ma túy, bạo lực, các độ, cờ bạc, tệ nạn xã hội…
  • Chủ đề thuốc, dược.
  • Các chủ đề bí mật đời tư cá nhân, gia đình.
  • Chủ đề vi phạm bản quyền.
  • Chủ đề bạn không thích.
  • Chủ đề mùa vụ (như đã nói ở trên).

Cơ bản những chủ đề này thường là những thứ mà các nền tảng như Google, Facebook, Tiktok, Youtube… cấm hoặc hạn chế. Do vậy bạn cũng có thể tham khảo thêm mục chính sách của các nền tảng đó để tìm ra chủ đề tránh làm.

Trên đây là các tiêu chí để giúp bạn chọn được chủ đề blog cá nhân của mình. Bước tiếp theo sẽ là những hướng dẫn thực hành cụ thể.

Chọn chủ đề Blog cá nhân: Thực hành

Bước #1: Tạo danh sách chủ đề Blog

Sử dụng Google Sheet hoặc Excel để tạo một file, sau đó bắt đầu liệt kê những chủ đề mà bạn thích làm. Cứ suy nghĩ và điền vào danh sách:

Lập danh sách Chủ đề Blog trên Google Sheet

Đến đây rồi, có thể có rất nhiều bạn bí không biết nêu lên những chủ đề gì. Ok không sao, có gợi ý cho bạn đây.

Bước #2: Dùng công cụ tìm chủ đề

  • Dùng Wikipedia:

Bạn vào Wikipedia tìm dach mục những sở thích mà mọi người quan tâm, đây mà cách các tay cao thủ hay vào. Rất tiếc nó chỉ có tiếng Anh, nhưng không sao, dùng Google dịch, bạn sẽ có được nhiều gợi ý. Mình để sẵn cho bạn đây Danh sách sở thích.

Có thể có những thứ không có ở Việt Nam, nhưng cũng có đa số nhiều thứ gợi ý cho bạn. Bạn nhặt những chủ đề mình thích rồi đưa thêm vào danh sách Google Sheet phía trên.

Tìm chủ đề Blog trên Wikipedia
  • Dùng Chat GPT:

Một công cụ nữa cũng cực kỳ bá đạo mới xuất hiện thời gian gần đây mà ít người ngoài kia nói với bạn, đó là dùng chat GPT. Bạn làm một lệnh “Gợi ý cho tôi 20 chủ đề mà người Việt quan tâm để tạo một blog cá nhân”. Và đây là kết quả:

Tìm chủ đề Blog bằng Chat GPT
  • Dùng Google Trends:

Bạn vào Google Trends rồi vào mục “Khám phá”, bạn sẽ có danh mục các chủ đề trong 12 tháng.

Bên cạnh đó, bạn cũng có thể vào các chuyên mục nhỏ hơn, điều chỉnh khoảng thời gian tìm kiếm và hình thức tìm kiếm để có thông tin sâu hơn.

Dùng Google Trends để tìm chủ đề Blog

Thực tế thì mình thỉnh thoảng mới dùng công cụ này để tìm chủ đề. Còn lại mình chủ yếu dùng nó để đánh giá chủ đề mà mình sẽ hướng dẫn ở phần sau.

  • Tìm kiếm trên các sàn Thương Mại Điện Tử (TMĐT):

Ngón này độc nhé, ít người chia sẻ cho bạn. Vậy tại sao lại tìm chủ đề Blog dựa vào các sàn TMĐT.

Thứ nhất là bạn làm blog là để kiếm tiền. Thứ hai, các sàn TMĐT chính là nơi để bạn có thể làm tiếp thị liên kết cho Blog của bạn.

Một điều hay ho được phát hiện ở các sàn TMĐT đó là có các loại mặt hàng được sắp xếp theo các danh mục chủ đề. Chính từ các chủ đề này sẽ cho bạn gợi ý tuyệt vời. Chiêu này anh em nước ngoài hay tìm trên Amazon hoặc Alibaba.

Tìm chủ đề Blog trên các sàn TMĐT
  • Tìm kiếm trên Google:

Bạn lên Google gõ tìm kiếm: “các chủ đề làm blog cá nhân“. Kết quả trả về cho bạn những trang web sẽ chỉ cho bạn những chủ đề phù hợp.

Lưu ý như mình nói ở bài trước, bạn chỉ lấy tên các chủ đề rồi đưa về danh sách của mình thôi, vì có thể bạn sẽ lại bị sa đà vào một số “chuyên gia” dẫn dắt bạn đi theo cách làm khác.

Mình không có ý nói rằng những người khác hướng dẫn không tốt, mà chỉ sợ bạn bị “lạc” rồi cuối cùng mãi không khởi động triển khai được blog của mình.

Nếu bạn biết tiếng Anh thì tuyệt vời, có vô cùng nhiều gợi ý cho bạn. Nếu không biết tiếng Anh cũng không sao, bạn có thể mạnh dạn dùng Google dịch, rồi lấy nội dung cần tìm kiếm và dùng Google Search để tìm.

Bước #3: Đánh giá chủ đề blog đã chọn

Sau khi đã qua các bước trên, mình tin chắc rằng bạn đã có được một danh sách kha khá chủ đề của mình rồi, đó cũng là danh sách bạn thích. Việc tiếp theo đây là cần đánh giá các chủ đề đã chọn theo 3 tiêu chí tiếp theo để lấy ra những cái thích hợp nhất cho bạn.

  • Đánh giá độ ổn định (Evergreen), xu hướng, tính mùa vụ của chủ đề:

Thường thì gọi tên chủ đề là bạn có thể đánh giá tiêu chí này ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên nếu không chắc bạn sử dụng công cụ dưới đây:

Vào công cụ Google Trends > gõ tên chủ đề vào ô “Khám phá” gõ Enter > Ra trang kết quả > Ở ô thời gian chọn “12 tháng qua” (hoặc 5 năm). Ở đấy mình ví dụ là chủ đề “Du lịch”:

Đánh giá chủ đề Blog trên Google Trends

Kết quả cho bạn một biểu đồ, nó nói nên điều gì?

Nếu biểu đồ đều đều hoặc có xu hướng đi lên, thì đây là chủ đề mà mọi người quan tâm và quan tâm thường xuyên, không bị tính mùa vụ.

Ngược lại nếu biểu đồ trồi sụt, có vài tháng lên rất cao, rồi vài tháng xuống thấp, rồi có xu hướng đi xuống, thì đó là chủ đề theo mùa vụ hoặc người quan tâm đang ít dần. Ví dụ dưới đây, tôi tìm chủ đề World Cup, mặc dù chủ đề chung chứ không gắn cụ thể là World Cup 2022, nhưng kết quả như bạn thấy:

Đánh giá chủ đề Blog trên Google Trends

Hai kết quả phía trên thấy rõ ràng chủ đề du lịch là ngon rồi, còn World Cup thì không ổn định nên không nên làm.

Các chủ đề khác bạn cũng thử tương tự như vậy. Rồi đến bước tiếp theo.

  • Đánh giá chủ đề theo lượng tìm kiếm

Vì thường ta làm Blog để người tìm kiếm trên Google biết đến, nên ta phải dùng công cụ của nó để đo kết quả, đó là Google Keyword Planer:

Đánh giá chủ đề Blog bằng Google Keyword Planer

Bạn thấy có rất nhiều người quan tâm tìm kiếm về chủ đề này.

Tuy nhiên tiếc một điều là mặc dù công cụ này là miễn phí, nhưng nó nằm trong tài khoản Google Quảng cáo (Google Ads) nên buộc bạn phải đăng ký tài khoản Google Ads mới được dùng nó.

Mình không hướng dẫn cách tạo tài khoản ở đây, nhưng nếu bạn thực sự muốn sử dụng công cụ này thì lên Youtube gõ tìm kiếm cách hướng dẫn tạo, mất chừng chục phút.

💡Nếu không muốn, bạn có công cụ khác miễn phí cho bạn, đó là keywordtool.io. Công cụ này cũng lấy dữ liệu từ Google và một số kênh khác.

Trong ô tìm kiếm, bạn Table Google > Gõ từ khóa > Chọn Việt Nam > Gõ Enter

Kết quả cũng cho bạn những con số giá trị để bạn đánh giá chủ đề blog của mình:

Đánh giá chủ đề Blog bằng Keywordtool.io

Ngoài hai công cụ này thì còn nhiều công cụ khác miễn phí và trả phí, bạn có thể tự tìm hiểu thêm. Chủ yếu ở đây hướng dẫn bạn cách đánh giá chủ đề blog của mình.

  • Đánh giá chủ đề có tạo thu nhập được không:

Bạn quay lại một lần nữa và đặt câu hỏi cho những khả năng kiếm tiền từ Blog. Mình mô phỏng với chủ đề du lịch đã ví dụ ở trên nhé, ở đây coi như Blog đã có lượng người truy cập tốt rồi:

  • Cho thuê chỗ quảng cáo trên Blog: Có! các khách sạn, nhà hàng, điểm du lịch, công ty vận tải du lịch…
  • Đặt link tiếp thị liên kết bán sản phẩm của người khác: Vố số sản phẩm liên quan đến du lịch trên Shopee, Lazada… mà bạn có thể làm tiếp thị liên kết: đèn pin, gậy tự sướng, lều trại, đồ dã ngoại…
  • Bán hàng của chính bạn: Tour du lịch của bạn, nhập các sản phẩm phục vụ du lịch để bán.
  • Bán các khóa học, hướng dẫn kỹ năng: có thể có hoặc không.
  • Dịch vụ tư vấn, viết bài: có thế.
  • Bán Blog khi đã có giá trị cao như một tài sản số: Mình đã từng đi cùng một anh bạn làm công ty du lịch để mua một blog về du lịch, mang về khai thác rất hiệu quả.

Tương tự vậy, bạn cũng có thể thử với những chủ đề khác mà bạn chọn.

Bước #4: Chốt chọn chủ đề Blog

Như vậy đến đây bạn đã gút lại và được danh sách các chủ đề mà bạn muốn làm cho Blog cá nhân của mình.

Một việc nữa cần làm là bạn đánh giá xem chủ đề mình chọn có “rộng” quá không. Nghĩa là chủ đề đó có nhiều chủ đề nhỏ hơn bên trong không gọi là ngách chủ đề (niche).

Vì sao vậy, nếu chủ đề quá rộng bạn không kham nổi một lượng thông tin rộng lớn khổng lồ. Thay vào đó bạn chọn ngách nhỏ trong đó mà bạn thấy thích hơn, thấy hay hơn để làm. Thậm chí là ngách nhỏ nữa nghĩa là ngách trong ngách.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiền dễ kiếm ở trong ngách hơn. Khi bạn chuyên một ngách, bạn là con cá lớn trong một ao nhỏ. Bạn luôn dễ dàng dẫn đầu.

Lấy ví dụ chủ đề du lịch ở trên, nó quá rộng. Tôi có thể cân nhắc làm blog về “Du lịch Gia đình”, “Du lịch cắm trại, “Du lịch dã ngoại”…

Ok, đến đây thì bạn đã được trang bị đầy đủ ví khí, kiến thức để chọn một chủ đề blog cho mình.

Tổng kết

Mình tự tin rằng đây là một trong những hướng dẫn cách chọn chủ đề cho blog đặc biệt mà ít người ngoài kia chia sẻ. Mình không nói nó là phương pháp tốt nhất, nhưng nó giúp bạn học được nhiều điều mang tính thực chiến.

Dựa vào những hướng dẫn trên, cộng thêm với sự hiểu biết, tìm tòi và học hỏi liên tục, bạn có thể tự xây dựng quy trình riêng cho việc tìm kiếm chủ đề blog. Đừng cứng nhắc mà hãy linh hoạt.

Nếu có điều gì thắc mắc, đừng ngại liên hệ với mình hoặc để lại ý kiến dưới phần bình luận. Cheer!

5/5 - (1 bình chọn)

Viết một bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.